Dư nợ cho vay bất động sản lên đến 1,25 triệu tỷ đồng, “big four” có 3 cái tên thuộc nhóm đầu là BIDV, Vietinbank và Vietcombank

Không kể ACB và HDBank, 8 ngân hàng còn lại trong Top 10 nói trên có tổng mức dư nợ đối với BĐS là 1,25 triệu tỷ đồng tính đến 31/12/2022. Trong nhóm đầu có 3 cái tên thuộc nhóm “big four” gồm: BIDV, VietinBank và Vietcombank.

Dân đầu nhóm là một ngân hàng thương mại cổ phần. Năm 2022 ngân hàng này đã dành hẳn 300 nghìn tỷ đồng (trong tổng dư nợ hơn 411 nghìn tỷ đồng) để cho lĩnh vực BĐS, gồm cho vay cả doanh nghiệp và cá nhân.

Đứng thứ 2 trong bảng xếp là BIDV với dư nợ cho vay BĐS lên đến 275 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,4% tổng cho vay khách hàng của cả năm 2022. Tỷ lệ này đưa BIDV trở thành nhà băng có tỷ trọng cho vay BĐS hàng đầu. Riêng năm 2022, dư nợ cho vay BĐS tại BIDV tăng 46 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với năm trước.

Một ông lớn trong nhóm “big four” khác là VietinBank cũng xếp ngay sau đó ở vị trí thứ 3 với 265.477 tỷ đồng. Tại Vietcombank, dư nợ cho vay BĐS của nhà băng này khoảng 230 nghìn tỷ đồng, đứng ở vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng.

Về khối thương mại cổ phần xếp sau Techcombank là VPBank với tỷ lệ cho vay kinh doanh BĐS năm 2022 là 14,39% tổng cho vay khách hàng, tương đương 52 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở lại chiếm tới 26,85%, đạt 82.922 tỷ đồng.

Tiếp sau đó là SHB, cho vay đối với hoạt động kinh doanh BĐS trong năm qua đạt 30.419 tỷ đồng, chiếm 8,33% tổng cho vay khách hàng.

Trong bảng xếp hạng Ngân hàng MB hiện đứng ở vị trí thứ 7. Cụ thể, cho vay BĐS giảm hẳn trong năm 2022 khi báo cáo tài chính của MB cho thấy, dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh BĐS chỉ chiếm 4,91% tổng dư nợ, đạt 21.357 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ngân hàng VIB cho biết, hoạt động cho vay đối với hoạt động kinh doanh BĐS chỉ đạt 1.995 tỷ đồng, chỉ chiếm tỷ lệ 0,86% tổng dư nợ, qua đó trở thành ngân hàng cho vay BĐS thấp nhất trong Top 10 ngân hàng niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất.

Top 10 ngân hàng niêm yết lớn nhất còn có ngân hàng ACB và ngân hàng HDBank. Tuy nhiên, hai ngân hàng này không công bố chi tiết dư nợ cho vay theo ngành nghề kinh doanh trong báo cáo tài chính nên chúng tôi không đưa vào thống kê.

Như vậy, không kể ACB và HDBank, 8 ngân hàng còn lại trong Top 10 nói trên có tổng mức dư nợ đối với BĐS là 1,25 triệu tỷ đồng tính đến 31/12/2022.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN cho hay: hiện nay các tổ chức tín dụng vẫn cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản với mức tăng trưởng cao và đang có dư nợ lớn.

Đối với thị trường bất động sản, theo ông Tú, đây là một trong những thị trường có quan hệ liên thông trực tiếp với thị trường tiền tệ, tín dụng... nên dự nợ lớn là điều có thể hiểu được.

AN NHIÊN