Tiếp tục gỡ vướng nguồn vốn, pháp lý
Công điện nêu, từ cuối năm 2022 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là các khó khăn vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn. Qua đó, thị trường bất động sản đã có chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Tuy nhiên, doanh nghiệp và thị trường còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các thủ tục pháp lý, tiếp cận tín dụng.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, thúc đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Và đề xuất thêm giải pháp mới hiệu quả hơn thúc đẩy mạnh mẽ việc giải ngân cho nhà ở xã hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 31/12/2023.
Đồng thời, Thủ tướng cũng giao bộ này khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), nhất là quy định về trình tự, thủ tục triển khai các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, khu đô thị mới để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với các Luật, tránh khoảng trống pháp lý.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền liên quan đến dự án bất động sản, nhất là các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, thủ tục thẩm định hồ sơ thiết kế, thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu.
Và tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, có giải pháp khả thi triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6745/VPCP-CN ngày 31 tháng 08 năm 2023.
Để doanh nghiệp nhà ở xã hội tiếp cận tín dụng ưu đãi
Thực tế, kể từ khi Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội được thông qua, các địa phương đã tích cực kêu gọi đầu tư dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp cũng mạnh dạn tham gia phân khúc này.
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, năm 2021, 2022, mỗi năm cả nước chỉ có 9 dự án được cấp phép mới với quy mô khoảng gần 6.000 căn hộ thì chỉ tính riêng quý III/2023, đã có tới 12 dự án với quy mô 12.679 căn hộ được chấp thuận chủ trương đầu tư trên cả nước.
Tuy nhiên, việc phát triển loại hình này dù có nhiều cơ chế ưu đãi nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận, đặc biệt là gói 120.000 tỷ đồng. Như trường hợp ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân chia sẻ, tập đoàn này chuyên nhà ở xã hội và hiện có 10 dự án nhà ở xã hội đã được nằm trong danh sách đủ điều kiện pháp lý để được vay gói 120.000 tỷ đồng, tuy nhiên Hoàng Quân chưa được vay đồng nào. Do hết tiền nên các dự án đang phải tạm dừng.
Trong khi đó, theo phản ánh từ một số doanh nghiệp nhà ở xã hội tại TP.HCM, khi tiếp nhận hồ sơ thẩm định để đồng ý cấp tín dụng cho các chủ đầu tư, các Ngân hàng có quy định riêng về các điều kiện vay, nhằm đảm bảo thu hồi các khoản cho vay theo quy định.
Cụ thể, đối với dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và theo Luật Đất đai 2013 quy định "Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất”.
Trong khi hầu hết các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sau khi có quyết định giao đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất chưa thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không đủ thành phần hồ sơ để vay theo quy định của Ngân hàng.
Vì không thể dùng khu đất dự án nhà ở xã hội làm tài sản bảo đảm thế chấp để vay vốn cho chính dự án nhà ở xã hội trên đất mà phải dùng tài sản khác để thế chấp đảm bảo khoản vay đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng lấy nguồn từ các ngân hàng thương mại hiện tại chưa thực sự ưu đãi. Tính đến hết tháng 10 đã có 20 tỉnh, thành phố phê duyệt danh mục 52 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đủ điều kiện vay vốn ưu đãi, nhu cầu vay khoảng 25.800 tỷ đồng. Thế nhưng, con số giải ngân từ gói tín dụng đến nay rất thấp, chỉ khoảng 83 tỷ đồng.
Nguyên nhân do gói lãi suất ưu đãi khoảng 7,7%/năm (với người mua, thuê nhà) và 8,2%/năm với chủ đầu tư xã hội. “Lãi suất của gói này thấp hơn 1,5-2% vay thương mại thông thường đã hỗ trợ một phần cho người mua, thuê nhà ở xã hội và chủ đầu tư nhưng thực chất vẫn chưa phải là tín dụng ưu đãi, do vẫn hơn mức vay nhà ở xã hội trước đó. Thời gian ưu đãi cũng ngắn (5 năm) và lãi suất được điều chỉnh 6 tháng một lần, gây bất an cho người vay", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.
Để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính để xây dựng gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 10% nhu cầu vốn giai đoạn 2022-2023) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (tương tự gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây).
DỊU HOA