Tòa soạn

Một khách hàng gửi đơn kêu cứu đến Bộ Công an sau khi bị mất 46,9 tỷ đồng trong tài khoản của Sacombank tại Khánh Hòa

Admin

Bà Hồ Thị Thùy Dương gửi đơn kêu cứu đến Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau khi 46,9 tỷ đồng được gửi tại Chi nhánh Cam Ranh (tỉnh khánh Hòa) bị mất mà không rõ lý do. Đáp lại hành động nói trên, Sacombank thông qua các luật sư đề nghị “hỗ trợ tạm ứng số tiền 15 tỷ đồng cho bà Dương trong thời gian chờ kết quả xử lý của cơ quan Nhà nước.” Đồng thời, yêu cầu bà Dương không phát tán thông tin rộng rãi.

Cụ thể, trong đơn bà Dương viết: Bà Dương là chủ tài khoản 0500420042321 mở tại Ngân hàng Sacombank, Chi nhánh Khánh Hòa, Phòng giao dịch Cam Ranh. Đây là tài khoản để thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động kinh doanh tôm giống giữa bà Dương và các chủ hàng, hộ cá thể nuôi tôm.

Bà Hồ Thị Thùy Dương gửi đơn kêu cứu đến Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau khi 46,9 tỷ đồng được gửi tại Chi nhánh Cam Ranh.

Tuy nhiên, tháng 5/2022, bà Dương phát hiện ra tài khoản của bà bị mất tiền và bà đã đề nghị Ngân hàng Sacombank trích lục sao kê từ ngày 01/5/2022 để kiểm tra và đối chiếu các giao dịch. Sau khi rà soát, bà Dương phát hiện có 12 giao dịch (09 giao dịch rút tiền mặt và 03 giao dịch chuyển khoản) bất thường với số tiền thâm hụt lên đến 46,9 tỷ đồng.

Trao đổi với truyền thông bà Dương chỉ rõ điểm bất thường: “Nội dung giao dịch ghi tôi rút tiền mặt (09 giao dịch) nhưng thời gian thực hiện giao dịch nằm trong khung giờ từ 18h đến 21h, đây là khung giờ mà mọi giao dịch tại ngân hàng đều đóng cửa”.

Cũng theo bà Dương, trong 03 giao dịch chuyển khoản trái phép thì có 01 giao dịch được thực hiện trót lọt với số tiền 11 tỷ đồng. Trong khi hạn mức cho phép tối đa chuyển khoản của bà chỉ là 10 tỷ đồng. Ngoài ra, từ trước đến nay, bà Dương cũng không có bất kỳ ủy quyền cho ai thay mặt để thực hiện các giao dịch tại ngân hàng.

Theo quy định giao dịch của cá nhân khi rút tiền tại ngân hàng sẽ bắt buộc thực hiện gồm các bước như: Xuất trình giấy tờ cá nhân có giá trị để giao dịch viên lập lệnh rút tiền; ký tên trên các chứng từ rút tiền; đối chiếu thông tin, đối chiếu chữ ký mẫu và chứ ký trên giấy rút tiền… Sau đó, bộ phận kiểm soát kiểm tra chéo thông tin, kiểm tra lệnh rút tiền và chuyển cho bộ phận thủ quỹ để xuất tiền. Bộ phận thủ quỹ xác nhận lệnh xuất tiền tại quầy giao dịch, chuyển cho cán bộ giao dịch và cá nhân người rút tiền kiểm đếm trước mặt nhân viên giao dịch.

Danh mục các sao kê số tiền 46,9 tỷ đồng của bà Dương bị rút tại Sacombank Cam Ranh.

Phản ứng trước động thái nói trên của bà Dương, Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng Sacombank đã có văn bản ủy quyền cho luật sư thông báo đến bà Dương: “Sacombank chấp nhận hỗ trợ tạm ứng số tiền 15 tỷ đồng cho bà Dương trong thời gian chờ kết quả xử lý của cơ quan Nhà nước”.

Cũng theo nội dung ủy quyền trên, khi nhận 15 tỷ đồng này từ Sacombank, bà Dương phải: “Không thực hiện việc đăng tin, lan truyền thông tin này trên mạng xã hội và các phương tiện khác khi chưa có sự kết luận của Cơ quan chức năng và sự đồng ý bằng văn bản của Sacombank”.

Tuy nhiên, hiện bà Dương không chấp nhận nhận lại 15 tỷ đồng từ Sacombank theo kiểu ban phát này.

Được biết, ngày 10/01/2023, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cũng có Văn bản số 54/TB-C02-P1 về việc chuyển đơn của bà Hồ Thị Thùy Dương đến Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa để được xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

Đến ngày 17/01/2023, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) có văn bản trả lời bà Dương với nội dung: “Vụ việc bị công an Khánh Hòa khởi tố và điều tra nên Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng đề nghị bà Dương gửi đơn đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa để được giải quyết”.

AN NHIÊN