Sự lựa chọn giải pháp tạm thời hy sinh kinh tế cứu sinh mạng của người dân của các tỉnh thành miền Nam là phù hợp trong một bối cảnh mà dịch bệnh diễn ra quá nhanh và chúng ta chưa có được những giải pháp tốt hơn, cũng như chưa có đủ lực lượng kinh nghiệm và sẵn sàng ứng phó với một nguy cơ chưa hề có tiền lệ.
Từ đó, dẫn đến một hậu quả mà mọi người đều nhìn thấy, đó là sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng kể cả trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp dù còn đầy đủ các điều kiện để duy trì sản xuất vẫn phải dừng sản xuất bởi nhiều lý do: hết nguyên liệu do nhà cung ứng đã đóng cửa, khách hàng của doanh nghiệp đóng cửa hoặc do chính quyền địa phương yêu cầu dùng sản xuất!
Hàng loạt người lao động mất việc bỏ về quê là điều không tránh khỏi, đe dọa cho một viễn cảnh khi đại dịch đi qua, nhà máy cũng không mở cửa lại được do thiếu lao động.
Đã đến lúc chúng ta cần bình tĩnh trở lại, tìm ra những giải pháp hợp lý hơn, đồng bộ hơn trên phạm vi cả nước hay hẹp hơn là cho một số vùng kinh tế có tính liên kết như toàn bộ khu vực phía Nam nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh; việc này phải được các cơ quan cấp Chính phủ đồng thuận về chủ trương và phối hợp xử lý.
Trong nội dung hạn hẹp của một bài báo, tác giả chỉ xin góp hai giải pháp cho quá trình phục hồi kinh tế này.
Hiện nay, trên nhiều diễn đàn, các tổ chức lớn, đại diện cho doanh nghiệp hoặc cho các tầng lớp dân cư đều kiến nghị Chính phủ ưu tiên tiêm vaccin cho đối tượng là thành viên của mình và tổ chức nào cũng có lý do cho rằng mình là đối tượng ưu tiên.
Bộ Y tế cũng đã kịp thời đưa ra danh mục 16 đối tượng ưu tiên tiêm vaccin, tuy nhiên, xem chừng danh sách này đã lạc hậu vì danh mục vẫn còn thiên về nhóm chức danh, chứ chưa tập trung mạnh vào tính chất nguy cơ. Thí dụ trong nhóm (7) cung cấp dịch vụ thiết yếu thì nên tách nhóm cần ưu tiên là nhân viên đi giao nhận hàng vì họ có nguy cơ cao, còn những người nhận đơn hàng trực tuyến lại chưa nằm nhóm nguy cơ; hoặc nhóm (8) với giáo viên, phần lớn sau khi được tiêm thì lại ở nhà do nghỉ hè hoặc chỉ dạy trực tuyến...
Ở đây, tác giả không đề xuất danh mục cụ thể mà chỉ nêu lên một nguyên tắc cơ bản để chúng ta có thể đưa vaccin đến đúng đối tượng là “theo mức độ nguy cơ” mà họ phải đối đầu do tính chất công việc cụ thể của từng nhóm. Có như vậy, chúng ta mới thực sự đưa số vaccin ít ỏi đến đúng đối tượng và sử dụng với hiệu quả cao nhất cho xã hội, các đối tượng còn lại sẽ được tiêm khi lượng vaccin dồi dào hơn.
Giải pháp này được xây dựng dựa trên các quan điểm sau: Một, cần phải có ngay những giải pháp cân bằng nhằm thực hiện thành công mục tiêu kép, tạm thời hy sinh lợi ích kinh tế không có nghĩa là không tìm giải pháp để hồi phục tại thời điểm này. Với một nước đang phát triển và còn phụ thuộc vào thị trường bên ngoài như chúng ta, nếu để kinh tế tuột dốc đến một mức nào đó sẽ rất khó và thậm chí không có cơ hội vực dậy nữa.
Hai, phải luôn đặt xã hội vào tâm thế sẵn sàng sống chung với dịch vì dịch còn quá phức tạp, chưa có dấu hiệu chấm dứt. Ba, chuyển doanh nghiệp và người dân - đặc biệt là người lao động từ vị thế là “đối tượng bị quản lý” trong phòng chống dịch trở thành “chủ thể”, phát huy năng lực quản lý doanh nghiệp (như một cộng đồng nhỏ), năng lực quản lý cá nhân của từng người lao động, để cùng tham gia kiểm soát quá trình phục hồi kinh tế, không để họ rơi vào thế bị động và chỉ biết đóng cửa hoặc bỏ chạy về quê... Đây cũng là cách doanh nghiệp chung sức cùng chính quyền địa phương trong công tác chống dịch lâu dài.
Với quan điểm như vậy, giải pháp ba bước được nhiều doanh nghiệp hiến kế dưới đây sẽ triển khai như sau:
Xây dựng các điều kiện tiên quyết: Các bên, bao gồm doanh nghiệp, cơ quan y tế của từng địa phương, hiệp hội ngành nghề, công đoàn (tạm gọi là bốn bên) cùng xác lập những điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tuân thủ. Các điều kiện này sẽ được lập ra thành hai nhóm là (1) điều kiện chung về phòng chống dịch - có tham khảo hướng dẫn của Bộ Y tế và (2) điều kiện phù hợp với hoàn cảnh từng địa phương - ngành nghề và do bốn bên cùng thống nhất. Có thể gợi ý một số điều kiện như:
Doanh nghiệp lo luôn bữa ăn chiều cho người lao động tại nhà máy để tạo điều kiện cho họ về thẳng nhà sau khi làm việc, đảm bảo “một cung đường - hai điểm đến”.
Địa phương, khu công nghiệp và các doanh nghiệp điều phối thời gian đi - về lệch nhau nhằm tránh tình trạng người tại các nhà máy khác nhau tiếp xúc gần trên đường đến nơi làm việc.
Phòng y tế của doanh nghiệp có những trang bị cơ bản như máy thở, phát đồ điều trị... giúp F0 mức độ nhẹ được điều trị, có phương tiện đưa F0 đến các cơ sở trị liệu khi cần... Lập các quy trình hướng dẫn để lao động tuân thủ và có phân khu vực làm việc, ăn uống, nghỉ trưa...
Tất cả người lao động cam kết tuân thủ các quy định của nhà máy trước khi tham gia vào từng bước phục hồi sản xuất này.
Với các ngành xuất khẩu, có thể tham khảo thêm kinh nghiệm của các nhãn hàng lớn vì họ có khả năng thu thập kinh nghiệm từ nhiều nước và nhiều doanh nghiệp khác, đặc biệt là nhóm FDI.
Bước 1: Sẽ bắt đầu khởi động với tỷ lệ không quá 30% công suất hiện có của từng nhà máy, nhằm bảo đảm tối đa cho sự thành công.
Sau khi tự đánh giá hội đủ và có thể kiểm soát theo những điều kiện tiên quyết, doanh nghiệp sẽ đăng ký và cam kết với chính quyền về việc quản lý và tuân thủ các quy định phòng chống dịch tại doanh nghiệp.
Một tuần sau khi khởi động ở bước 1, các bên sẽ cùng đánh giá tính tuân thủ, doanh nghiệp nào tuân thủ thủ tốt và không để xảy ra F0 sẽ được ưu tiên tiêm vaccine như là một điều kiện khích lệ và cũng phù hợp với chính sách ưu tiên diện có nguy cơ nêu trên.
Bước 2: Đến hết tuần thứ 2 sau khi áp dụng bước 1, nếu doanh nghiệp vẫn tuân thủ, duy trì được các điều kiện để sản xuất và chống dịch sẽ chuyển sang bước 2 với tỷ lệ mở rộng công suất không quá 50%. Nếu chưa thấy an toàn thì việc chuyển sang bước 2 có thể kéo dài thêm với đơn vị tính là tuần.
Bước 3: Tương tự như cách làm của bước 2, tỷ lệ mở rộng tối đa lúc này có thể là đến 100% hoặc chỉ là 70% nếu địa phương còn nguy cơ lây lan hoặc có thể tiếp tục duy trì bước 2 thêm vài tuần.
Bản thân người viết không chủ quan trong đề xuất này vì hiểu rằng việc để hàng ngàn người, thậm chí hàng trăm ngàn người đi lại giữa nhà máy và nơi cư trú tại từng địa phương sẽ là điều khó kiểm soát với dịch bệnh cho chính quyền từng tỉnh thành. Tuy nhiên, bản thân thực sự có một niềm tin to lớn là:
Với từng doanh nghiệp: Qua thời gian - có thể tạm gọi là mất bình tĩnh, mất định hướng vừa qua - thì tất cả các nhà điều hành của doanh nghiệp đã có những sự tỉnh táo nhất định để vẽ lộ trình vừa làm việc vừa chống dịch một cách thận trọng, hiệu quả và đó cũng là một trong những nhiệm vụ của các nhà điều hành.
Với người lao động: Bản thân họ cũng hiểu ra rằng nếu từng người lơ là trong phòng chống, sẽ dẫn đến nguy cơ cho cả tổ chức và bản thân họ cũng phải trả giá, mất công ăn việc làm, mất thu nhập, trở thành gánh nặng cho xã hội.
Với chính quyền: Trong nhất thời có thể chưa thấy được hậu quả từ sự mất công ăn việc làm của người dân, nhưng chắc chắn gánh nặng về kinh phí hỗ trợ sẽ oằn vai chính quyền khi mà nguồn thu từ doanh nghiệp bị cắt đứt, chưa kể tệ nạn xã hội sẽ diễn ra do tình trạng bần cùng sinh đạo tặc.
Với Đảng và Chính phủ: Phát huy mọi nguồn lực từ xã hội, từ những doanh nghiệp có kỹ năng quản trị tốt, từ những người dân, người lao động có ý thức chống dịch cao cũng là một điều mà chính phủ và chính quyền các cấp cần hết sức chắt chiu, hết sức tận dụng để đất nước có thể vượt qua được cơn đại dịch và duy trì kinh tế.
Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam.
Link nội dung: https://businessforum.vn/can-co-giai-phap-phuc-hoi-san-xuat-kinh-doanh-ngay-tu-bay-gio-a915.html