Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng vừa ký báo cáo gửi Quốc hội về việc xử lý các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém.
Theo đó, báo cáo nêu rõ, thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV, đến nay, trong lĩnh vực ngân hàng, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai những giải pháp để đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, an toàn cho hoạt động của SCB.
"NHNN đang tìm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB, để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại nhà băng này theo quy định", báo cáo nói trên nêu rõ.
Theo đó, SCB là ngân hàng được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, sau khi nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của nhà băng ghi nhận tình trạng người dân tới rút tiền đồng loạt.
Kiểm soát đặc biệt là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung. Trong lịch sử ngành ngân hàng, đã có nhiều nhà băng từng bị rơi vào trường hợp kiểm soát đặc biệt nhưng sau đó đã phục hồi và phát triển mạnh.
Theo NHNN, sau hơn một năm được đưa vào kiểm soát đặc biệt, SCB đã khẩn trương, tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan của NHNN, bộ, ngành và các cơ quan của TP.HCM tích cực triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền.
Đến nay, hoạt động của ngân hàng SCB đang dần ổn định, từng bước xử lý khó khăn, vướng mắc và tập trung xây dựng Đề án tái cơ cấu. Việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém và SCB từng được Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý phải bảo đảm minh bạch, không thất thoát tài sản.
AN NHIÊN
Link nội dung: https://businessforum.vn/tai-co-cau-ngan-hang-scb-ngan-hang-nha-nuoc-dang-tich-cuc-tim-kiem-nha-dau-tu-tham-gia-a3057.html