Tân Hiệp Phát và "thân thế" Chủ tịch Trần Quí Thanh vừa bị bắt

Ông Trần Quí Thanh là người sáng lập và Giám đốc điều hành của Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát.

Mới đây, Theo tin từ Bộ công an, từ ngày 8/4/2023 đến ngày 10/4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can đối với Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích thuộc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát; thi hành Lệnh bắt tạm giam đối với Trần Quí Thanh và Trần Uyên Phương về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Trước đó Bộ Công an giao đã Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết nội dung Đơn của một số công dân trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai tố cáo ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và một số cá nhân khác đã thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Trốn thuế”, “Cưỡng đoạt tài sản” là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh từ tháng 11/2020.

"Thân thế" Chủ tịch Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh

Ông Trần Quí Thanh sinh năm 1953, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, chuyên ngành kỹ sư cơ khí chế tạo máy. Sau này, ông nhận bằng Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh của Southern California University (Mỹ).

Ông cùng vợ là bà Phạm Thị Nụ thành lập một phân xưởng sản xuất nước giải khát năm 1994, là tiền thân của Tân Hiệp Phát sau này. Những sản phẩm ban đầu của doanh nghiệp là bia chai, bia hơi, bia tươi, sữa đậu nành. Đến năm 2001, họ cho ra mắt sản phẩm nước tăng lực Number 1, về sau trở thành dòng sản phẩm chủ lực.

Chương trình The Successors do kênh truyền hình Channel NewsAsia thực hiện năm 2018 tiết lộ, doanh nghiệp này có khoảng 4.000 công nhân viên và thu về khoảng 500 triệu USD doanh thu mỗi năm, hướng đến doanh thu 1 tỷ USD trong vài năm tới. Ông Thanh đặt mục tiêu doanh thu đến 3 tỷ USD vào năm 2030.

Ngoài việc thành lập và điều hành Tân Hiệp Phát, ông Trần Quí Thanh còn xuất hiện với một số vai trò trong ngành bất động sản. Tháng 6/2017, ông Thanh từng tham gia vào HĐQT của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn và sở hữu 478.482 cổ phiếu của doanh nghiệp này.

Năm 2018, lần đầu tiên ông Trần Quí Thanh hé lộ về việc mở thêm hướng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Cũng năm này, ông Thanh trở thành thành viên trong ban chấp hành Câu lạc bộ Bất động sản TPHCM với cương vị Phó Chủ tịch.

Tân Hiệp Phát đang làm ăn thế nào?

Theo giấy phép kinh doanh, Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Tân Hiệp Phát do ông Trần Quí Thanh làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật; ông Riddle David Charles (sinh năm 1950, Quốc tịch Anh) làm Phó Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật; bà Trần Ngọc Bích làm Giám đốc, bà Trần Uyên Phương làm Phó Tổng Giám đốc.

Thông tin thay đổi về vốn điều lệ tính đến ngày 09/09/2022, Tân Hiệp Phát có vốn điều lệ 1,706 tỷ đồng với các cổ đông gồm bà Phạm Thị Nụ nắm 54,493%, bà Trần Uyên Phương nắm 29,384%, bà Trần Ngọc Bích nắm 16,123%. Tuy nhiên đến ngày 22/09/2022, vốn điều lệ đăng ký của Tân Hiệp Phát giảm còn 276 tỷ đồng, các tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Thanh không thay đổi.

Theo thông tin từ Phòng đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Dương, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát được thành lập ngày 27/10/1997. Công ty này đã có 43 lần thay đổi đăng ký kinh doanh. Lần gần nhất là ngày 10/10/2022.

Doanh nghiệp có vốn điều lệ 276 tỷ đồng. Trong đó, bà Phạm Thị Nụ góp 150,4 tỷ đồng, chiếm 54,493% vốn điều lệ. Bà Trần Uyên Phương góp 81,1 tỷ đồng, chiếm 29,384%. Bà Trần Ngọc Bích góp 44,5 tỷ đồng, chiếm 16,123%.

Hiện đại diện theo pháp luật của công ty này là Tổng giám đốc Trần Quí Thanh và Phó giám đốc Riddle David Charles.

Công ty này là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam sản xuất nước tăng lực. Red Bull Vietnam đang đứng đầu thị trường, theo sau đó là Suntory Pepsico và Tân Hiệp Phát. Ngoài nước tăng lực, Tân Hiệp Phát còn có mảng đồ uống về trà khá quen thuộc với người tiêu dùng như trà xanh 0 độ, trà thanh nhiệt Dr Thanh.

Bên cạnh độ phổ biến về sản phẩm, đơn vị này còn gây ồn ào bởi những vụ việc liên quan đến chất lượng sản phẩm. Điển hình là vụ việc cuối năm 2014, ông Võ Văn Mình (ngụ tại Tiền Giang) lấy chai nước Number 1 nhựa bán cho khách hàng và phát hiện có con ruồi trong chai chưa mở nắp. Ông Minh đã gọi điện cho doanh nghiệp sản xuất và đề nghị đưa 1 tỷ đồng để giữ im lặng. Đến tháng 1/2015, nhân viên Tân Hiệp Phát giao 500 triệu đồng, ông Minh đưa chai nước thì bị công an bắt. Ông này bị khởi tố tội cưỡng đoạt tài sản, sau này bị tuyên án 7 năm tù.

MINH CHÂU

 

Link nội dung: https://businessforum.vn/tan-hiep-phat-va-34than-the34-chu-tich-tran-qui-thanh-vua-bi-bat-a2630.html