Lỗ kỷ lục, sụt giảm đến hơn 162% so với cùng kỳ năm 2021, Thép Pomina buộc phải dừng lò cao, cho công nhân nghỉ việc

Mới đây, Công ty Cổ phần Thép Pomia (HoSE: POM) thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao (BF) từ ngày 23/9/2022 và đồng thời phải chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên của công ty.

Theo báo cáo, tính đến thời điểm quý II/2022, POM ghi nhận doanh thu đạt 2.249,8 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, việc doanh thu tài chính sụt giảm mạnh cùng gia tăng của các loại chi phí cùng giá vốn hàng bán đã đẩy lợi nhuận của POM âm kỷ lục tới 63,8 tỷ đồng, giảm tới 162,5% so với cùng kỳ.

Thép Pomia lỗ kỷ lục 63,8 tỷ đồng sụt giảm đến hơn 162% so với cùng kỳ năm 2021.

Trước tình hình kinh doanh hết sức khó khăn như vậy, công ty buộc phải dừng lò cao cho một số cán bộ công nhân viên nghỉ việc.

Được biết, với nhà sản xuất thép, việc dừng lò cao là quyết định rất hạn hữu do tốn kém chi phí để hạ liệu dừng lò, đồng thời gây ảnh hưởng tới tuổi thọ của thiết bị, cũng như chi phí tốn kém để khởi động lại lò trong tương lai khi quay lại sản xuất.

Trên thực tế, Pomina đầu tư dự án lò cao vào năm 2019 và đi vào hoạt động 1 năm sau đó. POM cho biết hệ thống luyện thép kết hợp giữa lò cao (BF) và lò điện công nghệ Consteel sản xuất từ quặng có công suất hệ thống lên đến 1 triệu tấn sản phẩm thép được luyện từ quặng, sạch tạp chất. Đến tháng 3/2021, lò cao đã chạy 80 - 90% công suất.

Bên cạnh đó, POM còn có nhà máy luyện phôi thép tại Khu công nghiệp Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) với công suất 1 triệu tấn phôi và cán 0,5 triệu tấn thép xây dựng hoạt động từ cuối năm 2010; Nhà máy luyện phôi thép (Pomina 3) công suất 1 triệu tấn năm cũng tại Khu công nghiệp Phú Mỹ hoạt động vào cuối năm 2012 công suất 1,5 triệu tấn phôi và 1,1 triệu tấn thép cán xây dựng.

Lý giải về quyết định nói trên, HĐQT của công ty cho hay, việc không thể duy trì được lò cao là do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá dầu cùng các loại hàng hoá leo thang, đặc biệt là giá nguyên liệu đầu vào phục sản xuất của nhà máy đã tăng mạnh trong khi hệ lụy của dịch bệnh chưa khắc phục được.

Trong khi đó, giá trị các sản phẩm từ thép, phôi thép giảm liên tiếp. Nhà máy phải đương đầu với khủng hoảng trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang diễn trên toàn cầu với mức độ trầm trọng.

Tình hình kinh doanh khó khăn nên kéo đến công nợ của POM tính đến thời điểm cuối quý II/2022 là khá lớn.

Theo đó, nợ phải trả chiếm tới 77,5% trong cơ cấu tài sản của Thép Pomia, ghi nhận ở mức 12.610 tỷ đồng, tăng 11,67% chủ yếu đến từ nợ ngắn hạn.

MINH TRÍ

 

Link nội dung: https://businessforum.vn/lo-ky-luc-sut-giam-den-hon-162-so-voi-cung-ky-nam-2021-thep-pomina-buoc-phai-dung-lo-cao-cho-cong-nhan-nghi-viec-a2198.html